Yếu tố nào quyết định khi mua nước mắm?
Chúng tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn nhanh những người xung quanh về việc chọn mua nước mắm. Kết quả cho thấy khá thú vị: Đa số người mua dựa vào thương hiệu, tiếp theo là xem xét tới dung tích và sau đó mới quan tâm tới giá. Có người cẩn thận hơn có ngửi hoặc nếm.
Chúng tôi cũng dễ dàng nhận thấy phần đông người được hỏi (khoảng 60 phần trăm) không mấy quan tâm đến độ đạm, dù 20 phần trăm trong số đó biết nước mắm ngon hay không là phụ thuộc vào độ đạm.
Ngoài ra, 40 phần trăm số người được hỏi còn lại có so sánh giữa Độ đạm - Giá cả - Thương hiệu khi mua nước mắm. Tuy nhiên, độ đạm bao nhiêu, nước mắm được xếp vào loại nào thì ít ai biết rõ, dù họ nhận thức được rằng độ đạm có cao, nước mắm mới ngon.
Có thể thấy rằng, người tiêu dùng rất chú ý tới thương hiệu, nhưng họ vẫn còn ít có sự cân nhắc, so sánh tương quan giữa thương hiệu với giá cả và chất lượng. Đây là thói quen mua sắm nên được thay đổi, bởi với nước mắm, vấn đề cốt tử quyết định đến chất lượng đó là độ đạm.
Độ đạm càng cao, nước mắm càng ngon
Nước mắm có thể được làm từ nhiều loại cá như cá linh, cá thiểu, cá cơm, cá thu, cá đối, cá quả. Nói đến nước mắm ngon, những nhà sản xuất nổi tiếng cũng như người tiêu dùng rất sành thường liên tưởng tới năm vùng được mệnh danh là làng mắm như Phan Thiết, Phú Quốc, Nha Trang, Nam Ô (Đà Nẵng) và Cát Hải (Hải Phòng).
Đây là những địa danh đã trở thành chỉ dẫn địa lý và thương hiệu quen thuộc và gần gũi trong tâm lý người tiêu dùng.
Ở Việt Nam, theo phương pháp cổ truyền, nước mắm được làm từ lên men cá, muối và nước. Ngoài ra, có thêm đường, chất bảo quản, màu tự nhiên. Tùy loại cá và thành phần nguyên liệu mà nước mắm có chất lượng và hàm lượng đạm khác nhau.
Hàm lượng đạm là một trong những yếu tố để phân loại chất lượng cho nước mắm. Căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) thì độ đạm trên 300 N, nước mắm được xếp vào loại đặc biệt. Độ đạm vượt 250 N, nước mắm được xếp vào loại thượng hạng. Độ đạm hơn 150 N, nước mắm được xếp hạng 1. Và nước mắm có độ đạm chỉ trên 100 N thì được xếp hạng 2.
Nếu nhãn mác của sản phẩm không ghi rõ chỉ số độ đạm, khách hàng không nên chọn vì đây là chỉ số bắt buộc. Những chai nước mắm không có yếu tố này là vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa.
Giá tùy vào nước mắm cao đạm hay thấp
Một trong những yếu tố quyết định chính giá thành của nước mắm ngon là độ đạm. Do vậy, để có giá thành sản phẩm thấp mà không làm giảm lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp thêm các chất điều vị và phụ gia, hoặc pha loãng nước muối nhiều lần.Nhiều cơ sở sản xuất theo quy trình: Cá và muối được đựng trong thùng gỗ, phuy nhựa hoặc bể xi măng không đậy nắp, phơi ngoài trời, ướp cá trong thời gian dài. Quy trình này không đảm bảo vệ sinh và giảm chất dinh dưỡng của nước mắm.
Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn mua nguồn nước mắm này về pha chế. Khi tung sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp lại dùng các thủ thuật như ghi thông tin độ đạm ở nơi khó nhìn thấy, cỡ chữ nhỏ hoặc dùng chiêu ghi nhãn hấp dẫn kiểu chung chung, thiếu rõ ràng (nước mắm cốt/nhĩ) hoặc ghi tên hương vị thu hút.
Không ít doanh nghiệp còn dùng chiêu thức quảng cáo như có lợi cho sức khỏe, nước mắm sạch, tuyệt đối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm lôi kéo người tiêu dùng.
Thực ra, khá nhiều loại nước mắm trên thị trường hiện nay có sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, là điều mà người tiêu dùng đang rất cần câu trả lời của các cơ quan quản lý nhà nước.
Vì vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn đúng chai nước mắm ngon, đảm bảo dinh dưỡng cho cả gia đình. Đó là loại nước mắm có độ đạm cao, màu đặc trưng (vàng, vàng rơm, cánh gián) trong suốt, mùi vị thơm dịu.
Người tiêu dùng hãy sử dụng quyền biểu quyết nói “Không” với các sản phẩm có nhãn mác ghi thông tin không rõ ràng, lập lờ các yếu tố quan trọng….
Riêng với nước mắm, chú ý tới độ đạm, nguồn nguyên liệu, nơi sản xuất, nơi chế biến trước khi mua là cân nhắc đúng đắn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét